Theo tính toán của VAMA, nếu tính trung bình 500 triệu đồng/xe con và với tình hình bán hàng sụt giảm như hiện nay thì năm 2012 ngân sách nhà nước sẽ thất thu khoảng 60.000 tỉ đồng.
Kinh tế khó khăn, thuế, phí… đang đẩy các doanh nghiệp ôtô vào tình trạng nguy nan. Nghĩa là nếu Chính phủ không có những “phương thuốc” cứu chữa kịp thời, phần lớn các nhà sản xuất ôtô chỉ còn nước nằm “thở ôxy” và chờ rút "ống thở" mà thôi.
Kích cầu bằng khuyến mãi…
Trước tình trạng sụt giảm chưa từng thấy của thị trường, hầu hết các hãng xe (cả ôtô và xe máy) đều tổ chức khuyến mãi, giảm giá bán. Ford Việt Nam vừa quyết định giảm giá bán có thời hạn đối với một loạt mẫu xe, trong đó mức giảm cao nhất lên đến 86 triệu đồng/xe.
Mercedes-Benz Việt Nam giảm giá nhiều mẫu xe
Còn Mercedes-Benz Việt Nam giới thiệu chiến dịch ưu đãi dành cho những khách hàng cá tính với giá mới hấp dẫn chưa từng có chỉ áp dụng trong trong tháng 5/2012 cho bốn mẫu xe thể thao của hãng: chiếc coupe CL500 (5,2 tỷ đồng), chiếc mui trần danh tiếng SL350 (3,75 tỷ đồng), chiếc sedan-coupe CLS300 (2,55 tỷ đồng) và chiếc E-Coupe (2,45 tỷ đồng). Đối với những mẫu xe còn lại, Mercedes-Benz Việt Nam cũng chính thức công bố giá niêm yết mới hấp dẫn, thấp hơn từ 1,85% – 3,96% so với trước đây (tùy mẫu xe).
Trước đó, Suzuki Việt Nam cũng thực hiện chương trình khuyến mãi hỗ trợ phí trước bạ trị giá 40 triệu đồng cho khách hàng mua xe Grand Vitara tại các đại lý ủy quyền của Suzuki trên toàn quốc. Honda cũng giảm giá 40 đến 55 triệu đồng cho một chiếc Civic. Trường Hải cũng công bố gói khuyến mãi lên tới gần 100 triệu đồng cho xe Sorento…
Trường Hải công bố gói khuyến mãi lên tới gần 100 triệu đồng cho xe Sorento
Đây là “mùa khuyến mãi” chưa từng có ở Việt Nam, vì rằng, trước kia, nhu cầu của người dân luôn cao nên các hãng chưa bao giờ phải “xuống nước” giảm giá ồ ạt xe đến như thế.
… Thị trường vẫn ế chưa từng thấy
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng tháng 4/2012 đã tụt khoảng 20% so với tháng trước và cùng kỳ năm 2011.
Cụ thể, trong tháng 4 vừa qua, các thành viên của Hiệp hội này bán chỉ vẻn vẹn 6.004 chiếc, giảm tới 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này, phân khúc xe du lịch và xe thể thao đa dụng, xe đa dụng giảm gần một nửa; xe thương mại (xe tải, xe buýt...) giảm 1/3.
Tính chung 4 tháng đầu năm, các thành viên VAMA bán được 24.102 chiếc các loại, giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2011. Tất cả các doanh nghiệp đều có doanh số bán hàng giảm. Các DN từ Trường Hải, Toyota đến Mercedes Benz, Honda, GM, Ford, Mitsubishi, Isuzu, VMC... lượng xe bán ra chỉ bằng 50%- 70%, thậm chí có DN chỉ bằng 30% so với cùng 2011. Những số liệu trên cũng cho thấy tình hình thị trường ôtô rơi vào cảnh ảm đạm nhất trong suốt 5 năm qua.
Một điều đáng báo động về nỗi lo suy giảm của ngành công nghiệp ôtô nữa là chỉ số tồn kho của ngành này tại thời điểm ngày 1/3 năm nay tăng đến 38,7%, trong khi chỉ số tiêu thụ chỉ tăng ở mức 4,9%. Trong khi năm 2011, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp ôtô, xe máy tăng ở mức rất cao là 138,7% so với năm 2010.
Vì đâu nên nỗi!?
Theo nhân định của các chuyên gia kinh tế, lý do khiến người tiêu dùng không còn nghĩ đến chuyện mua sắm xe cộ là do 4 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thị trường giảm sút mạnh bởi khách hàng đắn đo khi mua xe vì những lý do lệ phí trước bạ ở mức 15% hoặc 20% tại TP.HCM và Hà Nội là quá cao.
Thứ hai, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vẫn trong trạng thái “sẽ được ban hành” dù không có thời gian xác định, với mức rất cao so khả năng chi trả của đại bộ phận khách hàng đã khiến thị trường ô tô đóng băng và tụt dốc thảm hại và sẽ tiếp tục tụt dốc, nếu Chính phủ không tuyên bố rõ ràng quan điểm về loại phí này.
Thứ ba, nếu tình hình kinh tế còn tiếp tục khó khăn, nghĩa là các doanh nhiệp và cá nhân trong các lĩnh vực khác như tài chính, bất động sản, kinh doanh – những khách hàng tiềm năng sử dụng xe hơi sẽ vẫn chưa thể tính đến chuyện mua sắm hay “lên đời” ôtô.
Lý do cuối cùng là lãi suất cho vay ở mức quá cao, dao động từ 18 đến 20%, và điều kiện cho vay chặt tại các ngân hàng khiến người tiêu dùng không có nguồn tiền để mua sắm.
Thuế, phí cao khiến người dân hạn chế mua xe
Nhiều cuộc điều tra được thực hiện gần đây của các trang thông tin điện tử đã cho thấy, có tới 52% số người sẽ không mua xe nữa và 23% cho rằng, sẽ đắn đo nhiều trong việc mua xe bởi các thông tin về thuế, phí với ôtô.
Trong buổi họp với báo chí diễn ra chiều ngày 17/5/2012, hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (VAMA) đã đưa ra dự báo rằng, tổng doanh số bán hàng VAMA năm 2012 sẽ giảm xuống chỉ còn 81.000 xe so với gần 140 ngàn xe của năm 2011, bằng với doanh số bán năm 2007 - năm được xem là khó khăn nhất của ngành công nghiệp ôtô.
Nếu như vậy thì nguồn thu cho ngân sách Nhà nước cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Bộ Tài chính thì ngân sách nhà nước đã thất thu tới hơn 4.300 tỉ đồng do giá trị ôtô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 51%. Và nếu tính cả phần giảm thu thuế từ sự sụt giảm ôtô lắp ráp tiêu thụ trong nước thì con số này sẽ cao hơn rất nhiều.
Thiết nghĩ, việc giải quyết ùn tắc là rất cần thiết nhằm tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển. Nhưng nếu đưa ra giải pháp giải quyết được ùn tắc mà lại làm nền kinh tế bị tổn thương cũng như thất thu ngân sách nhà nước thì sẽ không còn ý nghĩa gì.
Mục đích của phát triển kinh tế là để tạo ra cuộc sống ấm no và hạnh phúc và hình ảnh những chiếc ô tô xuất hiện trên các con đường là một minh chứng cho điều đó. Nếu giải quyết được ùn tắc giao thông mà chất lượng cuộc sống của người dân bị kéo lùi trở lại là trái với quy luật của sự phát triển!.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét