Điều hành giá xăng yêu cầu được tự do định giá theo thị trường, trong khi chưa có cạnh tranh đầy đủ trên thị trường, và đặc biệt là sự minh bạch về giá sẽ là dấu hỏi đậm, lớn, còn bỏ ngỏ trong nhận thức chung của xã hội. Các thông tin giải trình và phương án tăng giá về điện và xăng dầu hầu hết mang tính áp đặt một chiều; công tác kiểm toán và giám sát đầu tư có nhiều khoảng trống; với nhiều hiện tượng thất thoát, thất thu, sử dụng kinh phí sai mục tiêu, quy định trong kinh doanh của một trong những ngành “đại gia” hàng đầu đất nước này.
Sau 2 năm điều hành giá bán xăng dầu theo Nghị định 84, Bộ Công thương cho rằng vẫn chưa vận hành tốt dẫn đến thị trường nảy sinh bất cập.
Việc điều chỉnh giá bán xăng dầu trong nước chậm hơn biến động giá thế giới, giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở gây lỗ tích lũy cho DN. Trong quá trình điều hành giá chưa có quy định bù chi phí cho DN tham gia bình ổn, dẫn đến Quỹ Bình ổn bị âm hơn 2.300 tỷ đồng, khoản lỗ kinh doanh xăng dầu hơn 5.00 tỷ đồng vẫn chưa có hướng xử lý.
Doanh nghiệp đầu mối khó tứ bề
Trong văn bản vừa ký gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thực hiện Nghị định 84, Bộ Công thương cho rằng hầu hết những quy định của Nghị định 84 cơ bản được vận hành tốt, trừ điều 27 về nguyên tắc quản lý giá bán. Nội dung của điều khoản này quy định giá bán xăng dầu phải được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong đó nêu rõ quy định về tăng và giảm giá bán lẻ. Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, điều 27 có ảnh hưởng mang tính quyết định tới các nội dung điều hành khác, như tổ chức hệ thống phân phối, dự trữ lưu thông, chống xuất lậu, chất lượng xăng dầu…, song do chưa vận dụng tốt, nên thị trường đã nảy sinh bất cập. Điển hình là việc DN đầu mối chỉ được quyết định giá bán trong giai đoạn ngắn từ khi Nghị định có hiệu lực cuối năm 2009 đến tháng 3.2010, còn đại bộ phận thời gian là Nhà nước quyết định giá.
Đòi tự do định giá theo thị trường khi chưa có cạnh tranh đầy đủ, DN liệu có làm xiếc với mặt hàng thiết yếu này? Ảnh: TNLinh.
Cũng theo ông Tú, hệ lụy trực tiếp là DN gặp khó khăn, vốn chủ sở hữu đã ít (khoảng 14.000 tỷ đồng vào 2011) nay lại càng bị áp lực, do khoản vay tín dụng ngày một tăng. Năm 2011, vay tín dụng gần 27.000 tỷ đồng, tương đương 193% vốn chủ sở hữu. Song, DN gặp rất nhiều khó khăn trong vay tín dụng kinh doanh xăng dầu, nhận tín dụng mua xăng dầu của đối tác nước ngoài, duy trì ổn định hệ thống phân phối. Việc DN bị lỗ dẫn đến hoa hồng cho tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng giảm quá thấp, làm ảnh hưởng đến hệ thống phân phối của DN, mất tính ổn định và luôn bị xáo trộn. Ngoài ra, một số thành tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu, như chi phí định mức được tính dựa trên các yếu tố đầu vào từ năm 2009 (600 đồng/lít) nay đã tăng, nên giá bán lẻ được tính toán, điều hành qua giá cơ sở càng xa giá thế giới.
Đòi quyết giá khi chưa có cạnh tranh
Nói một cách ngắn gọn về thị trường xăng dầu hơn 2 năm qua, TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội, cho rằng giá xăng Việt Nam như bản “trường ca” với gam màu chủ đạo là điệp khúc lỗ nặng và kéo dài, bất chấp giá thế giới lên hay xuống. Và điệp khúc này đã, đang và sẽ còn tiếp tục gây bức xúc trong dư luận xã hội. Giá xăng thường lên nhanh - xuống chậm so với giá thế giới. Đặc biệt, dù giá thế giới lên hay xuống, thì doanh nghiệp đầu mối luôn kêu lỗ, cơ quan chức năng luôn chịu cảnh “trên đe dưới búa”, ngân sách nhà nước thất thu và người tiêu dùng cắn răng chịu đựng, vì không còn lựa chọn nào khác.
Ông Phong nhấn mạnh phải cung cấp chính xác thông tin về chi phí đầu vào, nghĩa vụ tài chính và lợi nhuận định mức của DN kinh doanh xăng dầu, khuyến khích phản biện khoa học và phản biện xã hội về hoạt động, chi phí và giá cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét